Nhận diện Trầm cảm ở Trẻ em và Trẻ vị thành niên
Trầm cảm là một bệnh nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được. Ở trẻ em và trẻ vị thành niên, đôi khi có thể khó nhận diện bệnh này.

Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một rối loạn về cảm xúc. Nó ảnh hưởng đến cách quý vị nghĩ và cảm nhận. Đây là bệnh nghiêm trọng, cũng giống bệnh tiểu đường và bệnh tim. Và giống như các bệnh nghiêm trọng này, trầm cảm không phải thứ gì đó mà một người có thể "thoát khỏi" ngay được. Triệu chứng thường gặp nhất là cảm giác buồn vô hạn dai dẳng. Những người bị trầm cảm cũng có thể cảm thấy vô vọng, hoặc cuộc sống không đáng sống. Đôi khi, trầm cảm có thể dẫn đến suy nghĩ về tự tử hoặc cái chết.
Trầm cảm ở trẻ em
Trẻ từ 6 tuổi có thể có cảm giác buồn vô hạn. Nhưng không phải lúc nào chúng cũng thể hiện được theo cách chúng cảm nhận. Thay vào đó, con quý vị có thể:
-
Ăn nhiều hay ít hơn bình thường
-
Ngủ nhiều hay ít hơn bình thường
-
Dường như không thể có niềm vui
-
Nghĩ hoặc nói về tự tử hoặc cái chết
-
Dường như sợ hãi hoặc lo lắng
-
Hành động theo cách hung hăng
-
Uống rượu, ma túy bất hợp pháp, hoặc thuốc không được kê toa
-
Kêu đau bụng hoặc những cơn đau khác mà không thể giải thích vì sao
Trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Có thể khó nhận diện trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Việc thấy trẻ có những thay đổi lớn về mặt cảm xúc là bình thường. Đây là hậu quả của việc thay đổi hóc-môn. Đây cũng là một phần của quá trình trưởng thành. Nhưng nếu con quý vị ở tuổi vị thành niên lúc nào cũng trầm cảm thì đây lại là vấn đề đáng lo ngại. Các dấu hiệu trầm cảm bao gồm:
-
Uống rượu hoặc sử dụng ma túy
-
Các vấn đề tại trường và tại nhà
-
Thường có những khoảng thời gian bỏ nhà đi
-
Có suy nghĩ hoặc nói về cái chết hoặc tự tử
-
Xa lánh gia đình và bạn bè
-
Khó ăn hoặc ngủ
-
Lòng tự trọng thấp
-
Hành vi gây hấn hoặc thịnh lộ
-
Mất hứng thú trong cuộc sống
-
Không quan tâm đến những hoạt động mà đã từng yêu thích
Những việc quý vị có thể làm
Điều trị có thể giúp ích cho trẻ em và trẻ vị thành niên bị trầm cảm. Nói chuyện với nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe hoặc tư vấn viên học đường hoặc nhà tâm lý học của con quý vị. Hoặc hỏi ý kiến của trung tâm sức khỏe tâm thần địa phương, cơ quan dịch vụ xã hội hoặc bệnh viện. Trấn an con quý vị rằng có thể làm dịu nỗi đau của chúng. Chú ý kỹ đến những bài đăng trên mạng xã hội của trẻ. Xem có những dấu hiệu nguy cơ, chẳng hạn như bình luận về làm hại bản thân, làm hại người khác, sử dụng vũ khí, rượu hoặc ma túy không. Xemm có những thay đổi về hành vi khiến quý vị lo lắng không. Mang tình yêu thương và hỗ trợ đến cho con quý vị. Nếu con quý vị hoặc con ở tuổi vị thành niên của quý vị nói về cái chết hoặc tự tử, hãy yêu cầu giúp đỡ ngay.
Gọi số 988
Nếu con quý vị có nguy cơ tức thì về làm hại bản thân hoặc người khác, hãy gọi hoặc nhắn tin đến số 988. Đừng bỏ mặc trẻ. Khi gọi điện hoặc nhắn tin đến số 988, quý vị sẽ được kết nối đến tư vấn viên được đào tạo về khủng hoảng trên Đường dây nóng 988 về Tự tử & Khủng hoảng. Quý vị cũng có thể trò chuyện trực tuyến tại địa chỉ 988lifeline.org. Đường dây này miễn phí và hoạt động 24/7.
© 2000-2025 The StayWell Company, LLC. All rights reserved. This information is not intended as a substitute for professional medical care. Always follow your healthcare professional's instructions.